Luật thuế GTGT thay đổi liên tục, theo hướng có lợi cho người nộp thuế, tuy nhiên lại tạo nên sự nhầm lẫn giữa các điều khoản còn hiệu lực và thay đổi ở các thông tư hướng dẫn. Vì các thông tư “mới” chỉ thay đổi “một số” điều ở thông tư cũ từ 2013 mà không thay thế hẳn.

Trong bài viết này,  sẽ tóm tắt lại 3 điểm chính về các quy định về thuế GTGT để các bạn tiện theo dõi

  1. Điều kiện để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa dịch vụ
  2. Có cần phải đăng ký tài khoản ngân hàng với cơ quan thuế nữa không? Nếu không có được khấu trừ thuế GTGT cho khoản thanh toán cho hóa đơn có giá trị > 20tr?
  3. Thanh toán trả chậm quá hạn quy định trên hợp đồng có được khấu trừ thuế GTGT hay không?

PHẦN 1: ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC KHẤU TRỪ THUẾ GTGT ĐẦU VÀO CỦA HÀNG HÓA DỊCH VỤ

Căn cứ pháp lý: Theo khoản 10 điều 1 của thông tư 26/2015/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 1/1//2015 để đầu vào được khấu trừ thuế phải thỏa mãn các điều kiện sau:

Về mặt hóa đơn: 

  • Có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.
  • Hóa đơn đầu vào phải là hóa đơn hợp pháp, được lập đúng quy định, đầy đủ các chỉ tiêu theo thông tư 39/2014/TT-BTC.

Về thanh toán: Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ hai mươi triệu đồng trở lên, trừ các trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng, hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới hai mươi triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT và trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu hàng hóa là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.

Chứng từ thanh toán qua ngân hàng được hiểu là có chứng từ chứng minh việc chuyển tiền từ tài khoản của bên mua sang tài khoản của bên bán (tài khoản của bên mua và tài khoản của bên bán phải là tài khoản đã đăng ký hoặc thông báo với cơ quan thuế. Bên mua không cần phải đăng ký hoặc thông báo với cơ quan thuế tài khoản tiền vay tại các tổ chức tín dụng dùng để thanh toán cho nhà cung cấp) mở tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo các hình thức thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành như séc, uỷ nhiệm chi hoặc lệnh chi, uỷ nhiệm thu, nhờ thu, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, sim điện thoại (ví điện tử) và các hình thức thanh toán khác theo quy định (bao gồm cả trường hợp bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua sang tài khoản bên bán mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân sang tài khoản bên bán nếu tài khoản này đã được đăng ký giao dịch với cơ quan thuế).

PHẦN 2: LÀM RÕ HƠN VỀ QUY ĐỊNH CHỨNG TỪ THANH TOÁN QUA NGÂN HÀNG

Đặt vấn đề: Chứng từ thanh toán qua ngân hàng được hiểu là có chứng từ chứng minh việc chuyển tiền từ tài khoản của bên mua sang tài khoản của bên bán. Vậy có cần phải đăng ký tài khoản ngân hàng với cơ quan thuế nữa không? Nếu không có được khấu trừ thuế GTGT cho khoản thanh toán cho hóa đơn có giá trị > 20tr?

Trả lời: Nếu doanh nghiệp thực hiện thanh toán hoặc nhận thanh toán bằng tài khoản ngân hàng chưa được đăng ký với cơ quan thuế sẽ vẫn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Căn cứ pháp lý: Bộ Tài chính ban hành Thông tư Thông tư số 173/2016/TT-BTC ngày 28/10/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Thông tư hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2016.

Thông tư này bỏ đi cụm từ: “tài khoản của bên mua và tài khoản của bên bán phải là tài khoản đã đăng ký hoặc thông báo với cơ quan thuế”. Cụ thể:

“Sửa đổi, bổ sung khổ thứ nhất Khoản 3 Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014, Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014, Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính)
” 3. Chứng từ thanh toán qua ngân hàng được hiểu là có chứng từ chứng minh việc chuyển tiền từ tài khoản của bên mua sang tài khoản của bên bán mở tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo các hình thức thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành như séc, uỷ nhiệm chi hoặc lệnh chi, uỷ nhiệm thu, nhờ thu, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, sim điện thoại (ví điện tử) và các hình thức thanh toán khác theo quy định (bao gồm cả trường hợp bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua sang tài khoản bên bán mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân sang tài khoản bên bán).”

PHẦN 3: LÀM RÕ HƠN VỀ VIỆC KHẤU TRỪ THUẾ GTGT CHO CÁC KHOẢN TRẢ CHẬM ĐÃ QUÁ HẠN HỢP ĐỒNG

Đặt vấn đề: Bên mua sở hữu nhiều hóa đơn mua hàng trả chậm, có số tiền > 20tr mà không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Vậy các hóa đơn này có được khấu trừ không?

Trả lời: Chia làm 2 giai đoạn

  • Từ 1/1/2014 đến trước ngày 15/11/2014; Khoản 6 Điều 1 Luật Thuế GTGT số 31/2013/QH13: “Đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng hoặc đến ngày 31/12 hàng năm đối với trường hợp thời điểm thanh toán theo hợp đồng sớm hơn ngày 31/12, nếu không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì cơ sở kinh doanh không được khấu trừ thuế GTGT đầu và phải kê khai, điều chỉnh lại số thuế GTGT đầu vào đã khấu trừ.”
  • Từ ngày 15/11/2014 ;Tại Điều 10, Thông tư 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014: trường hợp chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng do chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng cơ sở kinh doanh vẫn được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Vài tóm tắt về điều kiện khấu trừ thuế theo quy định mới nhất. Các bạn tham khảo và thực hiện nhé. Nếu có vướng mắc vui lòng để lại câu hỏi bên dưới

Nguồn: Sơn Trần – Dân Kế Toán